Thành ủy TP HCM vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Phước, trong đó hai bên thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành có chiều dài 70km, với tổng mức đầu tư 36.000 tỷ đồng và theo hình thức PPP. Trong số đó, dự kiến vốn nhà nước là khoảng 47%, tương đương 17.000 tỷ đồng, số còn lại là của nhà đầu tư.
![]() |
UBND TP HCM và tỉnh Bình Phước vừa thống nhất về việc đầ.u tư dự án cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Môt- Chơn Thành với tổng mức đầu tư 36.000 tỷ đồng. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Theo quy hoạch trước đây, dự án có chiều dài 69km, với điểm đầu ở huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), điểm cuối tại nút giao Gò Dưa (TP HCM), rộng 6-8 làn xe. Dự án khi ấy có tổng vốn đầu tư hơn 24.150 tỷ đồng và được thực hiện trước 2030.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, thống nhất về chủ trương, phương thức, phương án, quy mô và thành lập ban chỉ đạo chung phối hợp triển khai dự án. Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư dự án. Trước mắt, UBND tỉnh Bình Phước chủ trì làm việc với các bộ ngành và các địa phương để thống nhất phương thức đầu tư, nguồn vốn thực hiện… đồng thời xây dự kế hoạch tổng thể của dự án. Hai bên cũng thống nhất thành lập Ban chỉ đạo triển khai đầu tư xây dựng cao tốc này, bao gồm các thành viên đại diện của UBND tỉnh Bình Phước, Bình Dương và TP HCM cùng đại diện các sở ngành có liên quan để đẩy nhanh quá trình triển khai.
Lãnh đạo Thành ủy TP HCM cho rằng dự án này là công trình quan trọng và hết sức cần thiết, cần được xúc tiến thực hiện ngay, phải tranh thủ thời gian, vướng đến đâu thì gỡ đến đó. Hai bên sẽ cố gắng hoàn thiện các bước trình tự theo quy định, trình Quốc hội thông qua dự án này ngay tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV.
Trước đó, Thủ tướng nhất trí giao tỉnh Bình Phước là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc Chơn Thành – TP HCM theo hình thức PPP. Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể, kịp thời hỗ trợ ngân sách trung ương để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu bổ sung dự án tuyến đường sắt xuyên Á, giai đoạn 1 từ cảng Cái Mép đi Chơn Thành vào quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia.
Ngoài ra, dự án nâng cấp mở rộng ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép, Thị Vải được người đứng đầu Chính phủ cho là cần thiết để liên kết vùng, tạo đột phá phát triển. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sớm và báo cáo về phương án thực hiện hai dựa án vừa nêu.