Chiều 24/9, tại Hà Nội, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị Thường trực Thành ủy làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ KH&ĐT với thành phố Hà Nội; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của thành phố 8 tháng năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm, định hướng phối hợp công tác trong giai đoạn tiếp theo và các kiến nghị, đề xuất.
Tại hội nghị, Hà Nội đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị cụ thể với Bộ KH&ĐT để nghiên cứu, xem xét điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.
|
Lãnh đạo thành phố Hà Nội và Bộ KH&ĐT ký biên bản ghi nhớ hợp tác. |
Cụ thể, Hà Nội kiến nghị Bộ KH&ĐT hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ, thẩm định, trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 2 tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai; tuyến số 5 đoạn Văn Cao – Ngọc Khánh – Hòa Lạc). Đồng thời, quan tâm tổng hợp đề xuất Trung ương bố trí vốn cho dự án Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai (từ km14+200 đến km38 + 00) với tổng mức đầu tư 8.713 tỷ đồng.
Hà Nội cũng kiến nghị Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành tham mưu, báo cáo hỗ trợ ngân sách Trung ương cho các dự án lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi, y tế quan trọng, có quy mô lớn, vượt khả năng cân đối của Thành phố. Trong đó có các dự án như: Xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Nâng cấp bệnh viện Xanh Pôn đạt chuẩn Châu Âu; Xây dựng bệnh viện Tim Hà Nội – cơ sở 2 tại Thạch Thất; Cải tạo lòng dẫn sông Đáy; Bố trí vốn GPMB diện tích còn lại KCNC Hòa Lạc (khoảng 235ha, kinh phí 2.688 tỷ đồng) để thu hút đầu tư các dự án FDI thuộc lĩnh vực công nghệ cao, tạo động lực phát triển kinh tế Thủ đô và đô thị vệ tinh Hòa Lạc…
Hà Nội muốn làm đường gom dọc cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, hoặc đường 1A phần chạy qua thành phố. Hà Nội kiến nghị các bộ cho ý kiến về quy hoạch và quản lý quy hoạch của tuyến đường.
Hà Nội mong các bộ tháo gỡ các thể chế, chính sách, cơ chế điều phối vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đầu tư một số công trình hạ tầng kết nối giao thông liên vùng. Hà Nội sẽ phối hợp với Trung ương để xây dựng các tuyến đường, trong đó có dự án Quốc lộ 6 kết nối tuyến giao thông giữa Hà Nội với Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc, thúc đẩy phát triển liên kết vùng; xây dựng một số cầu kết nối qua sông Hồng (Thượng Cát, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo…).
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị, Bộ KH&ĐT tiếp tục phối hợp với thành phố thực hiện một số chương trình công tác lớn trong giai đoạn tới như: Đầu tư kết cấu hạ tầng; chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, phát triển các mô hình kinh tế đô thị; phát triển khoa học công nghệ để Hà Nội thực sự là trung tâm lớn của cả nước và hướng tới dẫn đầu Đông Nam Á; đổi mới sáng tạo; phát triển doanh nghiệp; nâng cao chất lượng công tác thống kê trên địa bàn TP…
“Hà Nội sẵn sàng đăng cai, phối hợp với Bộ KH&ĐT cùng tổ chức các diễn đàn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. TP cũng sẵn sàng phối hợp với Bộ KH&ĐT và đăng ký thử nghiệm”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.