Một thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) mới đây cho thấy có 30.083 căn hộ, bao gồm cả căn hộ officetel bị chậm cấp sổ hồng do chủ đầu tư bị tắc tiền sử dụng đất, không nộp được tiền sử dụng đất. Số liệu được đưa ra dựa trên dữ liệu của 60 dự án thuộc 16 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP HCM.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng nếu tình trung bình mỗi hộ có 4 người thì việc hơn 30.000 căn nhà bị chậm cấp sổ đã ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người dân.
30.000 căn chưa phải là tất cả
Theo HoREA, 30.000 căn chỉ là con số thống kê chưa đầy đủ trong tổng số 490 dự án nhà ở được phê duyệt trong các năm 2015 – 2019, chưa bao gồm các dự án đã triển khai trước năm 2015.
Hiệp hội cũng cho hay khảo sát 16 doanh nghiệp BĐS thì Tập đoàn Hưng Thịnh có tới 13 dự án bị “tắc” sổ hồng với hơn 8.000 căn, Tập đoàn Novaland có 11 dự án với gần 7.300 căn, một tập đoàn giấu tên có 10 dự án với 3.489 căn, Công ty Quốc Cường Gia Lai với gần 3.500 căn, CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam có 1 dự án với 1.092 căn…
|
16 doanh nghiệp có dự án bị ‘tắc’ sổ hồng. Nguồn: HoREA. |
Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM cũng thừa nhận hiện nay còn hơn 100 dự án đã nộp hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất nhưng chưa được giải quyết. Tuy nhiên, HoREA cho rằng nếu thống kê đầy đủ số liệu của hàng trăm dự án đã bàn giao nhà cho khách hàng nhưng chưa được tính tiền sử dụng đất thì số lượng căn bị chậm cấp sổ hồng còn lớn hơn nhiều lần.
Nói với Người Đồng Hành, ông Lê Hoàng Châu cho hay thực tế từ 2016 tới nay, Hiệp hội đã nhiều lần phản ánh tình trạng này tới UBND TP HCM. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, đến nay, tình trạng chậm cấp sổ hồng do tắc tiền sử dụng đất vẫn chưa được giải quyết triệt để, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Hệ lụy đầu tiên là vừa không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, vừa gây tâm lý hoang mang, bất an cho khách hàng mua nhà.
Thứ hai là làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Số thu tiền sử dụng đất bị sụt giảm liên tục từ năm 2018 đến nay. Cụ thể, năm 2018, thành phố chỉ thu 16.493 tỷ đồng, giảm 21,2%; năm 2019, chỉ thu 14.650 tỷ đồng, giảm 11,2% so với năm trước; 8 tháng đầu năm 2020, chỉ thu 4.453 tỷ đồng, giảm đến 52% so với 8 tháng đầu năm 2019. Thêm vào đó, tỷ trọng tiền sử dụng đất trong tổng thu ngân sách của thành phố 5 năm vừa qua chỉ chiếm 3-5%, thấp hơn rất nhiều so với các năm trước đây (thường chiếm tỷ trọng 9-10% số thu ngân sách).
Thứ ba, việc chậm cấp sổ hồng gây thiệt hại cho chủ đầu tư dự án vì chẳng những không thu được 5% giá trị hợp đồng (còn lại, lại bị mang tiếng “bội tín” với khách hàng.
Thứ tư, đã có một số trường hợp người mua nhà khiếu kiện gay gắt, phát sinh tụ tập đông người, căng băng rôn, biểu ngữ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Cần sớm giải quyết
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhận định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tắc sổ hồng chủ yếu là các chủ đầu tư bị tắc tiền sử dụng đất, không nộp được tiền sử dụng đất. Việc thực thi pháp luật của một số cơ quan chuyên môn và một số cán bộ công chức còn quá bất cập. Bên cạnh đó, có những quy định pháp luật như đánh đố, làm cho cán bộ công chức lúng túng.
Ngoài ra, HoREA cũng dẫn một số nguyên nhân trực tiếp khác như có các chủ đầu tư đã tạm nộp tiền sử dụng đất nhưng đến nay vẫn chưa được thông báo số tiền sử dụng đất phải nộp, để nộp bổ sung (hoặc được hoàn trả), để được xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và cấp sổ hồng cho khách hàng như trường hợp 11 dự án nhà chung cư của Tập đoàn Novaland, 2 dự án nhà chung cư của Tập đoàn Hưng Thịnh.
Chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất, đã được cấp sổ hồng cho một phần diện tích dự án nhà chung cư, nhưng nay không được tiếp tục cấp sổ hồng cho phần diện tích còn lại vì Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu xem xét tính toán, có thể nộp thêm tiền sử dụng đất (bổ sung) đối với phần diện tích tầng hầm để xe vượt ra ngoài ranh diện tích khối đế xây dựng nhà chung cư như dự án Gateway Thảo Điền của Công ty Sơn Kim Land.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND TP HCM phương án tính tiền sử dụng và cấp giấy chứng nhận cho toàn bộ diện tích đất khuôn viên đất xây dựng khu nhà ở chung cư phù hợp quy hoạch đất ở (bao gồm diện tích đất xây dựng chung cư – khối đế và diện tích đất làm hồ bơi, vườn hoa, sân chơi, lối đi nội bộ, bãi đậu xe nổi…). Từ quan điểm này, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa cấp sổ hồng cho nhiều dự án nhà chung cư, dẫn đến khách hàng mua nhà cũng chưa được cấp sổ hồng.
HoREA kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo ưu tiên giải quyết cấp sổ hồng trước cho khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà, vì họ là bên ngay tình, vô can. Đối với việc nộp tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) giữa chủ đầu tư dự án với nhà nước, HoREA đề nghị tách ra xử lý riêng, với một số biện pháp bảo đảm như: các căn hộ và diện tích kinh doanh mà chủ đầu tư giữ lại tạm thời chưa cấp sổ hồng và sẽ cấp sau khi đã có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chủ đầu tư ký quỹ một khoản tiền hoặc chủ đầu tư có văn bản cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) với Nhà nước…