Thứ năm, 6/5/2021, 09:25 (GMT+7)
![]() |
Phối cảnh sân bay Phan Thiết. Ảnh: VGP |
Thủ tướng quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành tổ chức thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Phan Thiết (Bình Thuận), hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng. Các thành viên gồm lãnh đạo các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận.
Theo phê duyệt điều chỉnh hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng, sân bay Phan Thiết được quy hoạch là Cảng hàng không cấp 4E với chức năng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự (cấp I), có hoạt động bay quốc tế. Sân bay có 1 đường cất hạ cánh, chiều dài 3.050 m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm. Vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Đầu tháng 4, lễ chuẩn bị mặt bằng và triển khai dự án xây dựng sân bay Phan Thiết đã được tổ chức. Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án xây dựng sân bay Phan Thiết theo quy định, quyết tâm sẽ triển khai hoàn thành vào cuối năm 2022. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, xác định các mỏ vật liệu xây dựng bảo đảm cung ứng ổn định, hiệu quả, bố trí các bãi đổ thải bảo đảm vệ sinh môi trường.
Trước đó, vào đầu năm 2015, sân bay này đã được khởi công nhưng sau đó “dậm chân tại chỗ”. Tới năm 2019, dự án lại manh nha được thi công xong vẫn im lìm. Từ đó đến nay, khu vực xã Thiện Nghiệp – nơi xây dựng sân bay, xảy ra ít nhất 2 đợt sốt đất.