Thủ tưởng vừa có ý kiến về phương án đầu tư đoạn tuyến cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị, trong đó giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính kết hợp với Bộ Giao thông vận tải đề xuất cân đối vốn cho dự án thành phần cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chính quyền tỉnh Lạng Sơn làm việc với Bộ Kế hoạch & Đầu tư về khả năng hỗ trợ vốn ngân sách trung ương cho dự án. Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn được yêu cầu chủ động quyết định lựa chọn phương án đầu tư tối ưu phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn, bảo đảm yêu cầu kinh tế – kỹ thuật, hiệu quả đầu tư và tránh lãng phí.
Trước đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất 2 phương án đầu tư dự án, trong đó phương án thứ hai có tổng mức đầu tư thấp hơn so với phương án đầu tiên là hơn 2.800 tỷ đồng.
Hai phương án đầu tư chi tiết:
Nội dung |
Phương án đầu tư thứ nhất (Tỷ đồng) |
Phương án đầu tư thứ hai (Tỷ đồng) |
Nguồn vốn nhà đầu tư | 1.750 | 1.600 |
Ngân sách tỉnh | 1.000 | 1.000 |
Ngân sách trung ương | 2.160 | 1.347 |
Vốn vay thương mại | 3.400 | 2.000 |
Tổng mức đầu tư | 8.790 | 5.947 |
Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu bổ sung phương án phân kỳ gồm hoạt động giải phóng mặt bằng, đầu tư nền, công trình theo quy mô 4 làn hoàn chỉnh rộng 22m, phân kỳ đầu tư mặt đường theo quy mô 17,5m và 13,5m như đề xuất của tỉnh Lạng Sơn. Theo Bộ Giao thông, phương án này sẽ thuận lợi và tiết kiệm trong việc đầu tư mở rộng giai đoạn theo quy mô hoàn chỉnh, nhất là tại các vị trí đào sâu, đắp cao.
Theo chủ trương đầu tư ban đầu, dự án có quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 8.743 tỷ đồng, sử dụng nguồn vay vốn thương mại từ ADB do VEC đầu tư. Trước nguy cơ có thể gia tăng nợ công, Thủ tướng chấp thuận bổ sung đoạn tuyến Chi Lăng – Hữu Nghị vào dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và giao cho UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Hiện việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn khi các nhà tài trợ vốn từ chối cho vay với quy mô đầu tư ban đầu do lo ngại không thể hoàn được vốn.