Sáng nay (22/11), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hội thảo Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ. PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận định có nhiều nghịch lý trong vấn đề phát triển ở vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ (Vùng KTTĐ ĐNB), cần thay đổi triệt để tư duy chiến lược, không phải là cơi nới, cải tiến, chỉnh sửa.
Ông Thiên chỉ ra vùng KTTĐ ĐNB có đóng góp GDP cả nước, đạt 50,8%, bằng 3 vùng KTTĐ còn lại cộng lại. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 – 2018 chỉ đạt 6,72% (trong khi vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là 9,08%). Vị thế của Vùng KTTĐ phía Nam trong nền kinh tế tuy vẫn đứng đầu nhưng bị sụt giảm, vai trò động lực và dẫn dắt suy yếu.
|
TS. Trần Đình Thiên. Ảnh cắt từ video phiên họp trực tuyến. |
Lý giải nguyên nhân, ông Thiên cho rằng thiếu kết nối vùng, các tuyến vành đai cao tốc quá ít quá chậm, nhiều tuyến đặt ra 10 – 15 năm nhưng giờ mới lập báo cáo tiền khả thi. Đồng thời, ách tắc lưu thông tại các trung tâm tăng trưởng quốc gia và kết nối quốc tế, các nút giao thông TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Các công trình này nếu triển khai, giải quyết chậm thì sẽ ảnh hưởng lớn không chỉ tới vùng mà còn tới cả nước.
Ông chỉ ra giao thông chính là điểm nghẽn nghiêm trọng của vùng ĐNB, nghẽn trên cả 3 tuyến: đường bộ, hàng không và đường biển. Vùng kinh tế trong điểm phía Nam mới có 91 km, tương đương 11% đường cao tốc cả nước. Ngoài ra, Vùng KTTĐ phía Nam có số lượng doanh nghiệp gấp 6 lần, hàng hóa vận tải gấp 5 lần Bắc Bộ nhưng chỉ có 91 km tương đương 11% đường cao tốc cả nước. Một thực trạng khác là ách tắc “trung chuyển quốc tế” như sân bay Tân Sơn Nhất quá tải; cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải thiếu đồng bộ, thiếu kết nối đường bộ, đường sắt…Ông Thiên nhấn mạnh nếu không giải tỏa các ách tắc này thì năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam sẽ khó cải thiện, chỉ thu hút được những nhà đầu tư nhỏ.
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng vùng ĐNB thua xa hạ tầng kết nối so với Bắc Bộ. Giải pháp đặt ra là cần thay đổi tầm nhìn chiến lược về lợi ích phát triển của TP HCM, Đông Nam Bộ; phải coi Vùng KTTT phía Nam là lợi ích chiến lược quốc gia; cần từ bỏ cách nhìn chia đều, cào bằng, mang tính cục bộ. Đồng thời, Nhà nước cần định hướng, có cơ chế khuyến khích phát triển khi giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa các địa phương đóng góp và thụ hưởng Ngân sách Nhà nước trên tầm nhìn lợi ích chiến lược quốc gia tổng thể.
Theo ông, cần thay đổi cách tiếp cận thể chế phát triển vùng, có lợi ích tổng thể, có thực lực ngân sách, có quyền lực độc lập tương đối với cơ quan trung ương. Ông nhấn mạnh cần có cách nhìn về lợi ích phát triển, cần giải thích thực trạng phát triển nghịch lý bất thường kéo dài hàng chục năm nay không phải, không chỉ bằng những sai sót, khiếm khuyết…