ndv – Với việc phòng chống dịch thành công sớm hơn dự kiến, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã nâng mức dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam trong kịch bản lạc quan lên đến 5,3%. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo “viễn cảnh thế giới trở nên bất trắc hơn bao giờ hết” và Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, nhạy cảm với biến động bên ngoài.
Nâng triển vọng dự báo kinh tế 2020
Tại Hội thảo Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2020 với chủ đề “Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển” do Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng 17/6. Tại Hội thảo các chuyên gia đã đưa ra các đánh giá về kinh tế Việt Nam, hệ thống thuế và ngân sách.
“Với bối cảnh chung như vậy, thế giới trước đại dịch đã và đang trong giai đoạn khó khăn rồi. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, chúng tôi thấy Việt Nam vẫn có những điểm sáng”, TS Nguyễn Đức Thành – Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khẳng định.
TS Nguyễn Đức Thành – Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phát biểu tại Hội thảo Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2020. Ảnh: VEPR
Cụ thể, tốc độ tăng GDP thực cả năm 2019 đạt kết quả ấn tượng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6% -6,8%. Đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng tốt này vẫn là hai khu vực công nghiệp và xây dựng (50,4%) và khu vực dịch vụ (45%).
Các ngành trong từng khu vực đều có mức tăng trưởng tốt như ngành chế biến và chế tạo (11,29%). Dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng đạt mức tăng trưởng tốt (6,71%) khi lượng khách quốc tế tới Việt Nam tăng 16,2% so với năm 2018 (theo Tổng cục Du lịch).
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2019 tăng 10,2% so với năm trước. Khu vực tư nhân và FDI được dự báo sẽ tiếp tục dẫn dắt đầu tư của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân. Tổng vốn FDI giải ngân đạt 20,4 tỷ USD trong năm 2019, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu là nhờ nguồn vốn đăng ký dồi dào từ những năm trước. Hàn Quốc dẫn đầu trong năm 2019 với tổng vốn đăng ký đạt 3,66 tỷ USD.
“Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tâm trạng của các nhà hoạch định chính sách cũng giảm xuống sâu. Nhưng rất may, cho đến nay, dịch Covid-19 tại một số nước được kiểm soát tốt, trong đó có Việt Nam. Đây là một lợi thế quan trọng cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay”, TS Nguyễn Đức Thành nhận định.
PGS. TS Phạm Thế Anh, đồng chủ biên báo cáo cho biết, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và xa hơn phụ thuộc khá nhiều vào khả năng khống chế Covid-19 không chỉ trong nước mà còn cả trên thế giới. Hiện tại Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn nhiều quốc gia trên thế giới nhờ đã kiểm soát được đại dịch tương đối sớm. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái.
VERP đưa ra kịch bản lạc quan nhất (kịch bản 1) cho nền kinh tế Việt Nam được xây dựng dựa trên giả định bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào cuối tháng 4/2020 và hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa từ đầu tháng Sáu, giúp các ngành xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm.
Kịch bản trung tính (kịch bản 2) hoặc bi quan (kịch bản 3), bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế – tài chính quan trọng trên thế giới được giả định có thể bùng phát và các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang nửa sau quý III, thậm chí là quý IV/2020 với những mức độ diễn biến phức tạp khác nhau.
Với kịch bản lạc quan, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được VEPR dự báo đạt khoảng 5,5% trong năm 2020, kịch bản trung tính 3,9% và bi quan 1,7%. Tỷ lệ lạm phát bình quân 3,5%-4,0%. Trước đó, trong dự báo hồi tháng 4/2020, VEPR đưa ra dự báo tăng trưởng 4,2% cho kịch bản lạc quan.
“Nhìn trong trung và dài hạn, Việt Nam cần nhận thức về khả năng dịch chuyển trật tự kinh tế thế giới dưới tác động của Mỹ và các cường quốc, kể cả những kịch bản cực đoan như hình thành một cuộc Chiến tranh lạnh mới trong bối cảnh toàn cầu như hiện nay. Tình hình có thể phụ thuộc rất nhiều vào cuộc bầu cử Mỹ trong tháng 11/2020”, theo VEPR.
Cẩn trọng khi trở thành sân sau Trung Quốc và Hàn Quốc
Chủ biên báo cáo – TS Nguyễn Đức Thành đưa ra khuyến nghị, nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay nên thận trọng để trong trở thành sân sau của Trung Quốc và Hàn Quốc để xuất khẩu sang Mỹ. Cần rà soát lại các chính sách về thuế khóa, đất đai đối với FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước. Chính phủ cần rất thận trọng trong các quyết định gia tăng vay nợ mới để trả nợ cũ và bù đắp chi tiêu, đặc biệt trước tình hình quy mô GDP được tính lại từ năm 2020 khiến trần nợ công có thể được nới lỏng.
Việt Nam nên tập trung vào các chính sách về tài khóa, tiền tệ, tỷ giá để đối mặt với bất ổn kinh tế thế giới: điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, giữ lãi suất ổn định, hạ thấp đòn bẩy và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, từng bước xây dựng “đệm tài khóa” thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên.
Đặc biệt, TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, Việt Nam cần định vị lại vị trí của mình trong bản đồ thế giới.
“Tôi cho rằng, nền kinh tế chính trị biến động mạnh trong khi Mỹ và các nước đồng minh chuyển hướng chiến lược. Nước Mỹ thời cựu tổng thống Obama đi một bước là Hiệp định TPP nhưng đến thời của Donald Trump có nhiều yếu tố cho thấy sự phủ định chính sách thời ông Obama, nhưng phủ định theo hướng mạnh mẽ hơn, chứ không phải quay ngược chiều lại. Ví dụ như việc Mỹ không tham dự TPP đã gây ra sự thất vọng lớn cho các nước còn lại nhưng thay thế vào đó là chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương (Indo-Pacific)”, TS Nguyễn Đức Thành nói.
TS Nguyễn Đức Thành phân tích, trong tương lai 20-30 năm nữa, nếu thực sự Mỹ muốn giữ vị trí bá chủ các nước đồng minh thì không thể thiếu Ấn Độ được. Trong bối cảnh đó, việc hình thành tứ giác Ấn Độ – Nhật Bản – Úc – Mỹ nếu thành công Mỹ sẽ mở rộng thêm một số nước khác trong khu vực để hình thành cục diện mới. “Vậy Việt Nam ở đâu trong cục diện này?”, TS Nguyễn Đức Thành đặt câu hỏi.
“Tôi cho rằng, Hàn Quốc, Indonesia là các ứng cử viên sáng giá để tham gia vào nhóm tứ cường này. Tôi mới đọc một chính sách của Mỹ về việc triển khai Indo – Pacific thì họ cũng liệt kê rất nhiều đối tượng, nguồn lực trong triển khai nhưng Việt Nam không được đề cập tới, tương đối mờ nhạt. Đây là một hàm ý quan trọng. Việt Nam chủ động hơn nữa trong việc định vị vai trò chiến lược của mình”, TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.
Theo TS Thành, ở thời điểm này, gạt sang những mối ưu tư về những vấn đề khó khăn của đại dịch, Việt Nam nên nhìn ra xa hơn về lâu dài, ở thời điểm năm 2020 bắt đầu một thập niên mới.